Là “fan cứng” của Manchester United, cách vận hành và phát triển doanh nghiệp của doanh nhân Nguyễn Trung Dũng phần nào tương đồng với tinh thần của Quỷ Đỏ - dùng người trẻ, đoàn kết và theo đuổi tinh thần không bao giờ từ bỏ. Với kinh nghiệm dày dặn của mình, ông trao cơ hội và định hướng cho người trẻ để họ phát huy năng lực, cùng doanh nghiệp trưởng thành và hiện thực hóa ước mơ, để họ tránh được những sai lầm mà nhiều thập kỷ trước ông từng mắc phải.
“Nếu ngày trẻ của tôi là liều lĩnh thì bây giờ trải nghiệm và kinh nghiệm làm nên bản lĩnh”, nhà sáng lập Dh Foods nhớ lại hành trình khởi nghiệp những ngày đầu nơi xứ người.
Doanh nhân Nguyễn Trung Dũng
Tuổi trẻ của ông Dũng nhiều hoài bão và luôn khát vọng dẫn đầu, phải làm gì đó khác người và thành công hơn người. Khát vọng của tuổi trẻ khiến mọi mệt mỏi tiêu tan, sẵn sàng làm 16 đến 18 tiếng mỗi ngày. Sự liều lĩnh của tuổi trẻ khiến mọi nỗi sợ “không có cửa” tồn tại.
Trong khi nhiều người Việt khác ở Ba Lan chủ yếu nhập đồ từ trong nước như nước mắm hay cà pháo để bán cho vài nghìn Việt kiều ít ỏi, chàng trai năm ấy đã cùng nhóm bạn thân “ngược đường” tìm hiểu nhu cầu và sở thích của hơn 40 triệu dân Ba Lan để nhập những mặt hàng phù hợp có xuất xứ Việt Nam, từ quần áo, hàng thủ công mỹ nghệ cho đến mì ăn liền. Ông về nước tìm đến tận nơi sản xuất, lặn lội ra làng đan thúng mủng ở Thái Bình, rồi lại mày mò xuống làng mây tre đan ở Đồng Nai để mua được hàng với giá rẻ nhất và chất lượng tốt nhất.
Chỉ cần có ý tưởng và cơ hội kiếm tiền, ông lao ngay vào mà không màng rủi ro. Còn nhớ một lần truyền hình Ba Lan khuyến nghị người dân ra đường đội mũ vì thủng tầng ozon, ông liền về nước xuất 10 container nón lá sang bán với kỳ vọng giá 1 gấp 10 sau khi khảo sát thị trường. Những người khác thấy món hời liền chuyển hàng qua Ba Lan bằng máy bay nên khi container hàng đến nơi, ông Dũng chỉ có thể bán hoà vốn.
Khi Vifon còn chưa có chức năng xuất khẩu, ông Dũng đã làm việc với đối tác xuất khẩu hàng mỹ nghệ để trở thành người đầu tiên xuất khẩu mì ăn liền Việt Nam ra nước ngoài. Cùng với việc tinh tế điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp khẩu vị người bản xứ, như giảm vị cay hay tăng độ dai sợi mì, những gói mì Việt Nam mà ông mang sang thắng tuyệt đối trên đất Ba Lan.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm non trẻ, lần khởi nghiệp thứ nhất của ông Dũng thất bại do các thỏa thuận không rõ ràng khi làm chung với bạn bè, dẫn đến những xung đột trong quá trình công ty phát triển và rồi tan rã.
Cuối năm 1992, ông lao vào khởi nghiệp lần hai khi tròn 30 tuổi bằng một khoản vay nặng lãi sau khi âm vốn từ khởi nghiệp lần đầu. Hàng nào bán được ở Ba Lan ông đều tìm cách liên hệ với nhà sản xuất, ban đầu chấp nhận trả tiền mặt và dần đàm phán trả chậm khi sản lượng tăng.
Ông tiếp tục nhập khẩu mì ăn liền của Vifon, sau đó của Thiên Hương rồi tới Lucky. Ông Dũng còn nhập khẩu bún khô, nước hoa quả đóng lon, dứa đóng hộp, tương ớt, nước tương, gạo, rồi đồ đông lạnh… Cùng sự hỗ trợ của hai nhân sự đại diện thương mại, xuất khẩu đỉnh điểm đạt con số 100 container mỗi tháng ở những năm 90 của thế kỷ trước.
Không chỉ tiên phong đưa mì ăn liền ra nước ngoài, ông còn là một trong những người đầu tiên đưa hàng nước ngoài vào các hệ thống siêu thị và phân phối trên toàn Ba Lan, phủ hết thị trường này trước khi hàng của Nga, Đức hay Tiệp Khắc cũ tìm vào. Bí quyết của ông là tìm cách đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, bao bì và thông tin sản phẩm. “Người đi đầu luôn có lợi thế hơn” nằm ở chỗ đó.
Sau bốn năm, cuộc sống của ông ngập tràn ánh hào quang và trở thành triệu phú USD ở tuổi 35. Ông mua nhà mua xe cho cả quản lý công ty, được dự những bữa tiệc cấp cao do Chính phủ Ba Lan tổ chức.
Thế nhưng, sự hiếu thắng, nôn nóng và liều lĩnh quá mức đã khiến ông liên tiếp đưa ra những quyết định sai lầm, dẫn đến những kết thúc buồn.
Ông từ bỏ toàn bộ cổ phần tại các công ty phân phối và đánh mất những mối quan hệ thân thiết từ thời đại học vì khởi nghiệp bằng sự cả nể với những đồng sáng lập dù là bạn nhưng lại không có cùng tư duy kinh doanh.
Sau một thời gian dài nhập hàng, năm 1997, ông quyết định tự mở nhà máy sản xuất ngay tại đất nước chuyên sản xuất lúa mì để nâng chất lượng và cắt giảm được nhiều chi phí, đặc biệt là khi Ba Lan tăng thuế nhập khẩu để bảo vệ công ty sản xuất trong nước trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Thay vì dùng dây chuyền sản xuất của Việt Nam như nhiều doanh nghiệp khác, ông vay tiền xây nhà máy và mua dây chuyền của Nhật với công nghệ tốt nhất để có sản lượng và chất lượng cao nhất.
Một trong những sản phẩm của Dh Foods
Giờ nhìn lại, ông thấy đó là sự tiên phong nhưng cũng quá liều lĩnh vì không tính toán kỹ khả năng và không lường trước những khó khăn khi đầu tư lớn, do đó gặp sai lầm mang tính bước ngoặt dù tình hình kinh doanh đang phát triển tốt.
Vì dành quá nhiều thời gian, tiền bạc và công sức cho việc xây nhà máy, mua dây chuyền và tìm nhân sự, ông đã buông lỏng việc cốt lõi là kinh doanh, ngừng đầu tư phát triển sản phẩm mới và rồi kết quả là giậm chân tại chỗ trong khi đối thủ dần vượt lên. Những khó khăn khác liên tiếp xuất hiện như tỷ giá đồng Zloty của Ba Lan tăng khiến ông gặp khó về dòng tiền khi phải trả tiền vay hàng tháng, doanh số sụt giảm, lợi thế sản xuất tại chỗ không còn và nhiều vấn đề khác trong sản xuất đã khiến ông thấy mệt mỏi và không còn niềm vui trong công việc. Ông quyết định chuyển nhượng 80% cổ phần công ty cho một đại gia Ukraine với giá hàng triệu USD vào năm 2002.
Có nhiều tiền mua biệt thự rộng rãi và sang trọng, hưởng thụ cuộc sống xa hoa dường như cũng không làm ông bớt cảm giác trống rỗng. Thú vui tiêu tiền không còn hấp dẫn khiến ông quyết định khởi nghiệp lần thứ ba với dòng sản phẩm ready-to-eat (thức ăn chế biến sẵn) bọc trong túi nhôm học được từ người Thái và cũng là lần ông trả giá đắt nhất trên mọi phương diện.
Vì có tiền và ý tưởng mới lạ, cộng với việc sản phẩm bán rất chạy, ông đầu tư lớn và dàn trải ngay từ ban đầu, từ việc mua kho rộng 6.000m2 trên diện tích đất 10.000m2 đến việc mở một quán ăn châu Á ngay trung tâm thành phố. Mải mê trong chiến thắng mà ít quan tâm đến tình hình kinh tế chính trị của Ba Lan và thế giới khiến ông dần lún sâu xuống vũng bùn.
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 khiến nhu cầu dòng sản phẩm ready-to-eat của công ty chững lại do giá thành cao hơn các sản phẩm tương tự trong nước. Khi kinh tế khó khăn, người dân quay lại với các sản phẩm quen thuộc thì ông lại phát triển thêm sản phẩm mới và lạ, khiến hàng không thể lên kệ, khó khăn chồng chất khó khăn.
“Khi đã sai lầm thì quyết định trong vội vàng lại thành sai lầm lớn hơn”, ông Dũng kể lại.
Thay vì cắt giảm quy mô và chi phí, ông lại đầu tư nhiều tiền vào máy móc để tự sản xuất tại Ba Lan vì nghĩ rằng có thể giảm giá thành và sản xuất được nhiều mặt hàng khác nữa. Doanh thu không có mà nguồn tiền ngày càng cạn kiệt, bất động sản cũng không thể bán được trong bối cảnh khủng hoảng, ông phải vay tiền bạn bè để duy trì công ty.
“Khởi nghiệp cũng như trồng cây, không thể vội được, nếu thúc cho cây lớn bằng phân bón và chất kích thích tăng trưởng thì cây có thể lớn nhanh nhưng không bền khi gặp gió”, ông Dũng nói.
Tiền mặt không còn, công ty không hoạt động, cộng với mối quan hệ với người vợ lúc đó bị đặt dấu chấm hết do có nhiều vấn đề nảy sinh từ nhiều năm trước khiến cuộc sống của ông như chìm sâu trong bóng tối.
Đúng mùng 1 Tết năm 2010, một mình ông Dũng trở về Việt Nam với hai bàn tay trắng để bắt đầu một hành trình mới với niềm tin không còn gì để mất, không có gì phải sợ khi đã gần tuổi 50, bỏ lại sau lưng 30 năm “dữ dội” ở xứ người.
Sức trẻ của Dh Foods
Về Việt Nam, ông bắt đầu với vị trí phó tổng giám đốc của một công ty ngành hàng tiêu dùng nhanh. Những ngày đầu, ông bị sốc về mặt văn hoá, không phải do sự khác biệt giữa Ba Lan và Việt Nam, mà do cách làm việc đậm chất doanh nghiệp nhà nước ở một công ty đã cổ phần hoá được sáu năm.
Đó là những “vấn nạn” như nhậu nhẹt thường xuyên; họp hành liên tục từ sáng đến chiều, thậm chí cuối tuần cũng họp rồi lưu tài liệu họp mà không ra hướng giải quyết vấn đề, quan liêu trong công việc…
Chẳng phải là một ý tưởng kinh doanh nhưng một lần nữa ông quyết định đối kháng với tất cả trong vai trò của một người lãnh đạo để thay đổi văn hoá của công ty bởi ông biết rằng đó là cách tốt nhất để cải thiện tình hình kinh doanh còn đang dậm chân tại chỗ. Ông chống lại bệnh quan liêu, xoá bỏ văn hoá nhậu nhẹt triền miên, bỏ quy định chấm công từ cấp trưởng phòng trở lên…
Thay vì đòi hỏi tuyển những người đã có 2-3 năm kinh nghiệm dẫn đến không tuyển được nhân sự như trước đây, ông trực tiếp xem hàng nghìn hồ sơ và trao cơ hội cho những người mới ra trường, thậm chí sinh viên cho vị trí thực tập sinh rồi giữ lại đào tạo, phát triển những người có khả năng trước khi thành những nhân sự chủ chốt. Nhiều người thậm chí đồng hành cùng ông ở những dự án sau này chỉ vì một chữ - niềm tin.
Sau khi sắp xếp tạm ổn ở khối văn phòng, ông bắt đầu đi thị trường dọc Bắc vào Nam, nghe “góp ý” từ các nhà phân phối và đề xuất hướng giải quyết ngay khi có vấn đề khúc mắc. Chỉ sau hai năm, doanh số của công ty với quy mô 2.000 nhân sự, đã tăng gần gấp đôi.
Điều đặc biệt trong chuyến công tác xuyên Việt, người đàn ông yêu tự do tìm được nguồn cảm hứng để khởi nghiệp lần thứ tư với các gia vị đặc sản vùng miền. Ông nhận thấy các loại gia vị Việt rất phong phú nhưng chủ yếu dùng ở địa phương mà chưa được nhiều người biết tới. Ông lại nhớ về những ngày sống ở Ba Lan mê gia vị Việt mà không thể tìm mua. Đó là cơ duyên dẫn ông đến với thương hiệu “ông trùm gia vị” sau này.
Nghĩ về ba lần khởi nghiệp đầy sóng gió trước đây, vị doanh nhân khẳng định không bao giờ hối hận với những thứ đã làm vì sau tất cả những thứ đã mất, thứ còn lại là kinh nghiệm quý giá cho hành trình mới sau này.
Doanh nhân Nguyễn Trung Dũng giản dị cùng chiếc khăn MU huyền thoại.
Khởi nghiệp ở tuổi 50, ông vẫn lựa chọn đi ngược đám đông và bước đi trên hành trình tiên phong. Các sản phẩm của Dh Foods được sản xuất với tiêu chí “không màu tổng hợp, không chất bảo quản nhân tạo”, an toàn cho sức khỏe của người sử dụng.
Các tiêu chí này đã quá phổ biến ở các nước phát triển nhưng còn quá mới ở Việt Nam. Cũng vì vậy mà đó là một lần đi ngược xu hướng ở 10 năm trước khi thị trường tràn lan các sản phẩm có chứa phẩm màu. Ông phải miệt mài đi thuyết phục các bên. Mặc dù màu sắc không bắt mắt nhưng mùi vị tự nhiên, ngon với bao bì được đầu tư nên các đơn vị phân phối chấp nhận thử. Kết quả là người tiêu dùng ủng hộ rất nhiều, nhất là người trẻ.
Ngay cả trước khi thương hiệu Dh Foods phủ sóng với tốc độ chóng mặt trên các trang mạng xã hội và báo đài sau chương trình Shark Tank mùa 4, Dh Foods đã vào được hầu hết hệ thống siêu thị tại Việt Nam cũng như xuất khẩu đi 10 nước trên thế giới, bao gồm những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hà Lan, Anh, Đức, Hàn Quốc,…
“Chúng tôi đi trước nên chúng tôi thành công. Hiện nay các thương hiệu cũng đi theo xu hướng không phẩm màu và chất bảo quản nhưng thương hiệu của Dh Foods đã in sâu vào tâm trí người tiêu dùng”, ông Dũng chia sẻ.
Dù vẫn lựa chọn đi ngược chiều nhưng trên hành trình ấy, ông Dũng không còn sự liều lĩnh, hiếu thắng và ham làm giàu nhanh của tuổi trẻ. Ông giảm bớt cái tôi để lắng nghe thế giới xung quanh cũng như đi sâu thấu hiểu chính bản thân mình – thứ mà ông đã không thể làm được khi còn ở đỉnh cao tiền tài và danh vọng.
“Bản lĩnh là dám chấp nhận cái sai và sửa sai thay vì cố đấm ăn xôi”, ông Dũng chiêm nghiệm.
Còn nhớ năm đầu khởi nghiệp lần thứ tư, ông áp dụng mô hình của doanh nghiệp lớn mà ông từng làm việc, tập trung vào kênh phân phối truyền thống, tuyển nhiều nhân viên bán hàng. Chỉ sau một năm, hơn một nửa số vốn đội nón ra đi mà không mang lại kết quả như kỳ vọng. Kinh nghiệm và bản lĩnh giúp ông dám nhận sai và sửa sai. Ông nhanh chóng thay đổi cách làm, giảm số lượng nhân viên bán hàng, tập trung vào kênh siêu thị và đẩy mạnh tiếp thị. Xác định khởi nghiệp không có nhiều tiền, phải đi chậm mà chắc, ông lựa chọn phương án thuê ngoài hết các dịch vụ thay vì tự mình đầu tư tốn kém, lại đảm bảo tính linh hoạt khi thị trường biến động cũng như phát triển quy mô.
Một rủi ro của việc gia công là có thể bị bắt chước nhưng ông Dũng tự tin bắt chước sẽ không thể thành công vì bên cạnh việc Dh Foods liên tục lắng nghe khách hàng để cải tiến thì “phải xuất phát từ cái tâm và chữ tín nếu muốn làm được sản phẩm tốt và kinh doanh thành công”. Nhờ đó mà trong sáu năm qua, tăng trưởng của công ty đều đạt 50%.
Không còn cố đấm ăn xôi như các lần khởi nghiệp trước đây, khi đại dịch xảy đến, ông họp bàn cùng ban giám đốc Dh Foods và quyết định dừng tham gia các triển lãm, hội chợ trong và ngoài nước, thậm chí chấp nhận mất tiền cọc, để tập trung toàn lực cho tiếp thị trực tuyến. Năm 2021, ông cho mở rộng hệ thống phân phối trực tuyến và ghi nhận tăng trưởng mỗi tháng ba con số.
Chia sẻ về tâm thế đối diện với khủng hoảng, ông Dũng cho biết: “Tôi thấy nhẹ nhàng hơn vì không cần ganh đua nữa, khi có khủng hoảng thì cẩn thận hơn. Dù năm ngoái đã chuẩn bị để thuê đất xây nhà máy lớn hơn trong năm nay nhưng chúng tôi đã cho dừng lại để đảm bảo dòng tiền vì xác định tình hình sắp tới còn khó khăn. Nhiều nhà đầu tư có thể thấy tiếc vì để tuột mất nhiều cơ hội nhưng chúng tôi không tiếc, không cơ hội này sẽ có cơ hội khác, phải thận trọng”.
Để ra được những quyết định mang tính sống còn cho doanh nghiệp, ông Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đội ngũ nhân sự. Thay vì giữ tâm thế của một người làm chủ với những hiếu thắng và tham vọng của bản thân như trước đây, ông thể hiện vai trò của một người lãnh đạo bằng cách lắng nghe nhiều hơn và thực hành trao quyền, trao cơ hội phát triển cho đội ngũ. Thay vì duy ý chí, ở công ty, ông là người ra quyết định cuối cùng sau khi ngồi nghe đội ngũ thảo luận và phản biện. Hơn nữa, ông cũng thừa nhận rằng mình kém người trẻ nhiều thứ, từ ngoại ngữ cho đến công nghệ. Do đó, phải biết khai thác thế mạnh của họ.
Ông coi mình là một người cố vấn từng trải đồng hành cùng họ để một mặt thúc họ phát triển nhưng mặt khác là giúp họ nhận ra những sai lầm của tuổi trẻ để kịp thời điều chỉnh. Đó là điều mà ngày xưa ông đã không có được.
“Ngày xưa không có mentor (cố vấn) thì tôi học từ sai lầm, nhưng cái đó trả giá rất cao cả về thời gian, sức khỏe và tiền bạc”, ông Dũng nói.
Sản phẩm của Dh Foods
Dh Foods xây dựng văn hoá làm điều mình thích với thu nhập tốt đảm bảo cuộc sống. Cho rằng tâm lý thoải mái và đãi ngộ tương xứng mới làm việc hiệu quả, lãnh đạo Dh Foods không áp dụng KPI như nhiều tổ chức khác.
Chia sẻ quan điểm về doanh nhân, ông Dũng nhấn mạnh, đó là được làm việc mình thích và đảm bảo cuộc sống cho mình và cho nhân viên, rồi tới đóng góp cho xã hội. “Với tôi, nhân viên là quan trọng nhất”. Nhân viên được coi trọng là lý do để họ tin tưởng và coi trọng lãnh đạo cũng như cống hiến cho sự phát triển của công ty.
Chẳng còn cảm thấy trống rỗng dù sống trong biệt thự xa hoa, chẳng phải siêu xe hay những chuyến du lịch vòng quanh thế giới, doanh nhân Nguyễn Trung Dũng giờ vẫn “trẻ trung” mà giản dị trong chiếc quần Jean, chiếc áo màu xanh của Dh Foods cùng chiếc khăn MU huyền thoại bên đội ngũ cộng sự, vẫn hạnh phúc bên người bạn đời dù chỉ ở trong căn chung cư và đi chiếc xe máy Attila.
Giaoductre.net. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Giaoductre.net giữ bản quyền trên website này
Email : mediavietnam9999@gmail.com