Giành 3 học bổng trường đại học tốp đầu Trung Quốc nhờ tự học
Từ nhỏ đến lớn, tận mắt chứng kiến sự vất vả khổ cực của gia đình, cô gái Nghiêm Thị Linh đã quyết tâm phải nỗ lực phấn đấu đi du học nước ngoài để phát triển bản thân.
Nghiêm Thị Linh đã phải trải qua quãng thời gian dài vất vả để đạt được học bổng toàn phần từ 3 trường đại học hàng đầu Trung Quốc
Tuy nhiên, năm 18 tuổi, do hoàn cảnh gia đình vẫn còn nhiều khó khăn, không có đủ kinh tế để lo cho Linh học đại học, nữ sinh đã quyết định sang Nhật theo diện xuất khẩu lao động, và đây chính là cánh cửa mới, cũng là bước ngoặt thay đổi cuộc đời của nữ sinh.
“Trải qua 4 năm ở Nhật Bản, vừa làm 10 - 11 tiếng mỗi ngày cộng thêm về nhà tự học tiếng Nhật, tôi đã trở thành người Việt Nam đầu tiên trong gần 20 năm ở công ty đỗ chứng chỉ tiếng Nhật JLPT N1.
Nhờ đó, tôi đã có thể sống tự lập, tự đi du lịch bằng tiền bản thân kiếm được, trải nghiệm làm biên, phiên dịch, dạy tiếng Nhật, và đồng thời khám phá những thứ mà tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể thực hiện được.
Cũng chính tại Nhật Bản, tôi có quen được một người bạn Trung Quốc ở trung tâm tình nguyện học tiếng Nhật, anh ấy đã thấy được niềm đam mê đối với ngoại ngữ của tôi và đề nghị dạy tôi tiếng Trung".
Linh đã quyết định học song song hai ngoại ngữ (tiếng Trung và nâng cao thêm kỹ năng tiếng Nhật) cùng một thời điểm.
Sau 5 tháng học tiếng Trung, nữ sinh đã mạnh dạn đi thi chứng chỉ tiếng Trung HSK 5 nhưng chưa đạt. Không muốn bỏ cuộc và cố gắng để được học đại học nên chỉ mấy tháng sau đó, Linh đã quyết định về Việt Nam, dành toàn thời thời học tiếng Trung cũng như tham gia các hoạt động ngoại khoá bổ sung cho hồ sơ xin học bổng Trung Quốc.
Trong khoảng hơn một năm, nữ sinh đã có được thành tích đáng nể là thi đỗ được chứng chỉ tiếng Trung HSK 6 song song với chứng chỉ khẩu ngữ cao cấp HSKK dù chưa từng tham gia bất kì một khóa học tiếng Trung nào ở trung tâm.
Cũng theo Linh chia sẻ, khi bắt đầu tìm hiểu về học bổng, ban đầu cô chỉ tham gia vào các hội nhóm chia sẻ kiến thức về du học Trung Quốc trên các trang mạng xã hội. Sau đó, Linh tiếp tục tìm hiểu thêm về các hoạt động ngoại khoá với việc tham gia tổng cộng 5 trại học tập mùa đông của 4 trường đại học khác nhau vào năm 2021, trong đó, cô được tặng một giấy chứng nhận ưu tú.
Bên cạnh đó, trước khi nộp học bổng, nữ sinh cũng xác định rõ mình muốn đi khu vực thành phố hay tỉnh nào để từ đó tìm học bổng của những trường đại học tại khu vực mình đã chọn.
“Những vùng tôi muốn học tập gồm các tỉnh, thành phố lớn như Bắc Kinh, Quảng Châu, Thiên Tân, Thượng Hải, Giang Tô. Sau khi đã tìm được trường có học bổng tại những khu vực này, tôi tiếp tục chọn những trường tốp cao và những trường thuộc tốp thấp hơn để dự bị.
Tất cả các thông tin về học bổng du học Trung Quốc, tôi hoàn toàn tự tìm hiểu, thu thập bằng cách lên web trường tìm đọc hoặc lên các ứng dụng mạng xã hội Baidu, Wechat tìm kiếm chứ cũng không có sự hỗ trợ của ai”, Linh nói.
Sau khi đã có các thông tin cần thiết để nộp hồ sơ, Linh bắt đầu chuẩn bị các bước tiếp theo như đi khám sức khoẻ, lý lịch tư pháp, giấy giới thiệu... Do Linh nộp hai loại học bổng nên mỗi học bổng sẽ có các bước khác nhau.
Học bổng giáo viên tiếng Trung quốc tế (CIS) cần giấy giới thiệu tại điểm thi là Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, còn học bổng Chính phủ Trung Quốc (CSC) thì cần giấy giới thiệu của các thầy cô cấp trung học phổ thông như thầy hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm.
Không bao giờ là quá muộn để học đại học
Để đạt mơ ước là xin được học bổng vào những trường đại học tốp đầu Trung Quốc, bản thân cô gái Việt - Nghiêm Thị Linh cũng đã phải trải qua nhiều khó khăn, thách thức. Trong quá trình xin học bổng, Linh đã từng bị Trường Đại học Sư phạm Phúc Kiến (Trung Quốc) từ chối.
“Lúc đầu, tôi đã xác định hồ sơ của mình đang ở mức độ chưa được đánh giá cao, do đó, bản thân chỉ lựa chọn nộp trường vừa phải. Trường Đại học Sư phạm Phúc Kiến chính là một trong những trường đầu tiên tôi lựa chọn nộp hồ sơ để xin học bổng.
Tuy nhiên, ngay khi nhận kết quả từ chối của trường, tôi đã buồn và hơi thất vọng về bản thân vì cũng nghĩ rằng mình không xin được ở những trường khác nữa", Linh chia sẻ.
Nhờ bên cạnh luôn có sự động viên của những người thân, bạn bè, Linh đã vượt qua áp lực tâm lý và sau đó cũng trau chuốt lại bộ hồ sơ của mình để khi nộp xin học bổng lại các trường khác đạt được kết quả tốt hơn.
Theo Linh chia sẻ, chính vì Trường Đại học Sư phạm Phúc Kiến không chọn, nên nữ sinh đã quyết định “đánh liều” nộp hồ sơ vào Trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh (một trường nằm trong tốp cao của Trung Quốc) và cuối cùng may mắn cũng đã mỉm cười, Linh đã được Trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh duyệt đỗ học bổng CSC.
Cần nói thêm rằng, học bổng Chính phủ Trung Quốc CSC - là chương trình học bổng được cung cấp bởi Bộ Giáo dục Trung Quốc để hỗ trợ sinh viên và các học giả từ khắp nơi trên thế giới đến học tập và nghiên cứu, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị giữa nhân dân Trung Quốc và nhân dân thế giới.
Ngoài những trường đại học trên, Linh còn lựa chọn nộp hồ sơ xin học bổng vào Trường Đại học Thiên Tân (Top 1 tỉnh Thiên Tân, Trung Quốc), học bổng giáo viên tiếng Trung quốc tế (CIS) của Trường Đại học Ký Nam (Top 3 tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc).
“Trường Đại học Thiên Tân là trường đồng ý cho tôi được học bổng toàn phần và trợ cấp 1 vạn tiền Trung/1 năm (tương đương 37 triệu đồng tiền Việt). Vào cùng ngày, tôi cũng nhận được kết quả học bổng toàn phần CSC và khoảng 1 tiếng sau có kết quả học bổng toàn phần CIS.
Nhưng sau đó, tôi quyết định theo học tại Trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh vì đam mê học ngoại ngữ của thân. Mong muốn của tôi không chỉ dừng lại ở việc học tiếng Nhật và tiếng Trung mà hiện tại bản thân cũng đang học tiếng Anh nữa, tôi nghĩ rằng không lâu nữa mình sẽ học thêm tiếng Đức hoặc tiếng Pháp.
Học bổng toàn phần mà tôi được nhận bao gồm: miễn học phí, miễn chi phí kí túc xá, bảo hiểm và hỗ trợ phí sinh hoạt 2500 Nhân dân tệ/tháng (tương đương 9,5 triệu đồng tiền Việt)”, Linh nói thêm.
Vậy nên, từ kinh nghiệm của bản thân, Linh cho rằng, các bạn đang mong muốn xin được học bổng thì yếu tố quan trọng nhất trong việc xin được học bổng là phải trau chuốt làm sao để có một bộ hồ sơ đẹp và ấn tượng.
Ngoài các giấy chứng nhận và các chứng chỉ ngoại ngữ ra thì kế hoạch học tập cũng là một yếu tố quyết định để gây ấn tượng với hội đồng thẩm định.
Bên cạnh đó, do trước đó kinh tế khó khăn, phải đi xuất khẩu lao động nhiều năm để trang trải, phụ giúp cho gia đình, đến thời điểm hiện tại là lúc 24 tuổi, Nghiêm Thị Linh mới có thể đi học đại học. Đây cũng là một trong những khó khăn, thách thức mà nữ sinh đã phải cố gắng nhiều để vượt qua.
“Tôi biết ở độ tuổi của mình có rất nhiều bạn ái ngại với việc bắt đầu học đại học, một phần vì sợ rằng bản thân không đủ mạnh mẽ để có thể đối mặt với điều tiếng dư luận xung quanh, một phần vì sợ không theo kịp với các em sinh viên lứa tuổi trẻ hơn. Tuy nhiên, tôi đã vượt qua tất thảy những lí do đó để tiếp tục theo đuổi hoài bão, ước mơ của mình ở tuổi 24.
Vậy nên, những ai đang chuẩn bị xin học bổng hay đã xin mà bị từ chối thì cũng đừng lo lắng vì cánh cửa này đóng lại sẽ có một cánh cửa khác tốt hơn đang chờ đón. Tôi tin rằng, quá khứ không thể thay đổi được nhưng hiện tại và tương lai thì có thể, vậy nên, chúng ta muốn bản thân trở nên như thế nào đều nằm ở quyết định của chính mình", Linh nói.
Giaoductre.net. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Giaoductre.net giữ bản quyền trên website này
Email : mediavietnam9999@gmail.com